Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam. Nói là tàu không số, nhưng thật ra mỗi con tàu đều mang một số hiệu đăng ký tại chỉ huy sở. Trải qua 14 năm (1961-1975) vận chuyển, chi viện chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số đã thực hiện được gần 2.000 chuyến đi; vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, đạn dược; 80.026 lượt người, với đoạn đường gần 4 triệu hải lý. Ngoài ra, các chiến sĩ trên đoàn tàu không số đã trực tiếp chiến đấu với 300 lượt tàu địch; 1.200 lượt máy bay; khắc phục được 4.000 quả thủy lôi; bắn chìm 10 tàu và bắn rơi 5 máy bay địch để vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Con tàu không số
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ghi nhận, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sáu Đức, thuyền phó tàu 43: Từ bến Mỹ Á (Quảng Ngãi) đến giải phóng quần đảo Trường Sa
Ở Văn phòng Hội Cựu chiến binh quận 5, TP. Hồ Chí Minh, năm 2010 ông Ba Đức, Anh hùng LLVTND tiếp chúng tôi thật niềm nở, lật từng trang hình từng chụp chung với đồng đội năm xưa. Ông đưa tay chỉ vào tấm hình bạc màu thời gian, xúc động bảo: “Đây là ba đồng chí đã hi sinh trong trận quyết tử với kẻ thù trên con tàu 43 năm xưa…”. Ông Nguyễn Văn Đức, tên thường gọi Sáu Đức, quê ở Bến Tre, sinh năm 1941. Lúc 21 tuổi, ông xung phong vào quân ngũ, được biên chế vào đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí, quân nhu vào miền Nam. Chiến công lẫy lừng ông nhớ đời là lúc làm thuyền phó tàu 43 trong chiến dịch tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Đến năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ông làm thuyền trưởng tàu 674 tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa.
Sáng ngày 27-7-2016, tại Văn phòng Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, tiếp xúc với đoàn văn nghệ sĩ sáng tác, ông ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng trên những con tàu không số trên biển, bồi hồi xúc động nói: “Năm 2010 chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa, bà con nơi đây sống vất vả, thiếu thốn mọi bề. Đoàn đã vận động xây 90 căn nhà tình nghĩa, cấp 300 chiếc xe đạp… cho các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Quảng Ngãi vẫn không thấm tháp gì. Còn đây món nợ ân tình…”.

Sáu Đức – Nguyễn Văn Đức, Anh hùng LLVTND.
Tàu 43 cùng các tàu 56, 165 và 235 được giao nhiệm vụ khẩn cấp lên đường tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ngày 27-2-1968, tàu 43 chở 38 tấn vũ khí vào bến C.45 Mỹ Á, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Nhằm phân tán sự truy nã của địch, 4 tàu phát xuất thời điểm khác nhau nhưng phải cập bến tàu cùng lúc. Dự trù các tàu tập kết 4 điểm: Đức Phổ, Bình Định, Khánh Hòa và Cà Mau và chỉ đi 5 ngày, 6 đêm nhưng sóng to gió lớn cùng sự theo dõi gắt gao của địch khiến tàu lênh đênh 11 ngày trên biển. Tàu 43 (thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy) luôn giữ bí mật hành trình nhưng khi đi qua vĩ tuyến 17 thì vệ tinh của Mỹ phát hiện, theo dõi liên tục. Cuối cùng, tàu 43 đối đầu với 6 tàu VNCH và 2 trực thăng, xảy ra một trận chiến đấu quyết liệt trên biển Đông. Tàu VNCH nã súng xối xả vào buồng lái, tàu 43 bắn trả. Thuyền phó Nguyễn Văn Đức một tay cầm lái, một tay đỡ Xuân Ruệ bị trúng đạn, nằm gục ở buồng lái tàu, anh thều thào nói: “Anh Đức, chắc em không qua khỏi. Gửi lời về gia đình em!…”, anh Hòa cũng bị thương nặng ở cánh tay nên không thể tiếp tục điều khiển. Ông Sáu Đức cố lái, lượn lách con tàu vượt qua cơn bão lửa. Xuân Ruệ mới cưới vợ được 3 ngày, để lại người vợ trẻ ở quê nhà (Tiền Hải, Thái Bình) xung phong vào chiến trường khi có lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Cuộc chiến không cân sức, chỉ còn 14 chiến sĩ trên tàu kiên cường bám trụ. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu, xuống xuồng bơi vào đất liền. Ông Sáu Đức, lúc này chân bị thương, cố bọc thi thể Xuân Ruệ lại, đẩy xuống biển để đưa vào bờ. Địch càng bắn xối xả, anh Nguyễn Đăng Kiểm (quê Quảng Ngãi) đang bơi bị trúng đạn, chìm nghỉm, mất cả hai tiếng các chiến sĩ tàu 43 mới đến đất liền. Kể đến đoạn nầy, ông Sáu Đức giọng trầm lại, nghẹn ngào, bức xúc: “Tui vẫn còn nợ các đồng chí đã hi sinh một lời hẹn. Hơn 48 năm trôi qua, vì nhiều lý do, chưa ra thăm gia đình các anh em Vũ Xuân Ruệ, Nguyễn Đăng Kiểm, Võ Nho Tòng. Trong lòng áy náy lắm, nhất định có dịp tui phải ghé thăm gia đình các anh em”.
Trong bốn con tàu trên chỉ có tàu 56 trở về. Cán bộ chiến sỹ trên 3 con tàu còn lại đã anh dũng chiến đấu với quân địch và hủy tàu, ba thuyền trưởng đều được phong tặng, truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân ( LS Nguyễn Phan Vinh thuyền trưởng tàu 235, Nguyễn Đắc Thắng thuyền trưởng tàu 43, LS Nguyễn Chánh Tâm thuyền trưởng tàu 165)
* Giải phóng Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa
Biển Đông thấm sâu vào người như cái duyên gắn bó keo sơn, ông Sáu Đức kể tiếp chuyện giải phóng Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Sau khi giải phóng Đà Nẵng vào cuối tháng 3-1975, biên đội dự bị của đoàn tàu không số nhận lệnh từ Hải Phòng vào cập cảng Tiên Sa đúng theo kế hoạch. Bộ Tổng tham mưu lệnh cho 3 tàu, tàu 674 (thuyền trưởng Sáu Đức), tàu 673, tàu 675, giả dạng tàu đánh cá cấp tốc nhận nhiệm vụ đi giải phóng quần đảo Trường Sa. Bộ đội đặc công nước và vũ khí cất giấu dưới khoang tàu, phía trên phủ lưới đánh cá. Bất ngờ trên bầu trời xuất hiện máy bay VNCH, chỉ huy trưởng Mai Năng lệnh cho các tàu chuyển hướng lên vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau một hồi quần thảo, máy bay rút lui, 3 tàu tăng tốc nhằm hướng đảo Trường Sa Lớn. Lúc đó còn 2 tàu VNCH quanh đảo, hai bên giao chiến ác liệt khoảng 3 giờ, 34 lính VNCH đầu hàng, có 2 chiến sĩ đặc công hi sinh. Thật kỳ lạ là đúng thời điểm chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh trên bộ, cũng là lúc 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng, đoàn tàu không số ghi thêm những chiến tích hào hùng giữa biển trời Tổ quốc.
Chính ủy tàu 43 – Trần Ngọc Tuấn
Ông Trần Ngọc Tuấn.
Ông Trần Ngọc Tuấn, cựu chiến binh của đoàn tàu không số, sống trong căn nhà nhỏ tại số 9A/1B, phố Đặng Tất (Nha Trang). Tên khai sinh ông là Trần Anh Tuấn, trong quân ngũ, trên giấy tờ và những tấm Huân, Huy chương cái tên Trần Ngọc Tuấn vẫn thường được dùng hơn. Ông sinh năm 1933 tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Năm 20 tuổi, ông tham gia đoàn tình nguyện quân tại Hạ Lào vào tháng 5-1953. Sau đình chiến toàn Đông Dương, tháng 11-1954, đơn vị tập kết ra Bắc. Cuối năm 1959, người chiến sĩ trẻ đi học lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Sĩ quan lục quân I và 3 năm sau đó được phân công làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 130, căn cứ I – Hải quân.
Bước ngoặt lớn đáng ghi nhớ trong cuộc đời ông là vào cuối năm 1963, được điều về đơn vị đặc biệt: Đoàn 759. Tại đây, ông đảm trách chức vụ Chính trị viên – Bí thư chi bộ các tàu 56 – 55 và sau cùng là tàu 43.
Tối ngày 27-2-1968, theo kế hoạch tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn, được lệnh chở 37 tấn vũ khí vào bến Mỹ Á, Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Lúc 0 giờ 50 phút, ngày 1-3-1968, khi tàu còn cách bờ khoảng 15 hải lý, 4 tàu VNCH vây chặn bắn pháo sáng rực cả một vùng biển, tàu 43 kiên cường chiến đấu và tiêu hủy tài liệu. Khoảng 15-20 phút, tiếp theo đạn pháo từ 4 chiến hạm nã đạn cấp tập vào tàu 43. Dứt loạt pháo, xuất hiện 10 tàu cao tốc, mỗi đợt 2 chiếc lao vào tấn công. Chờ tàu địch vào gần 150m thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh bắn hết hỏa lực, diệt một tàu địch và 2 chiếc khác bị hư hại. Liên tiếp 3 máy bay trực thăng HU-1A quần đảo, đại liên cực nhanh gầm lên như bò hú, trút đạn như mưa. Tàu 43 dùng 12,7 ly bắn trả, 1 chiếc HU-1A bốc cháy, đâm đầu xuống biển, 2 chiếc khác bị hạ gục trong đợt tấn công sau.
Trong 3 giờ chiến đấu ác liệt, tàu 43 bị trúng đạn nặng, 3 chiến sĩ hy sinh, 12 người bị thương. Tình thế bất lợi, khi trời sáng, nhất định tàu VNCH sẽ tăng cường vây bủa. Thuyền trưởng Thắng quyết định hủy tàu, tiếng nổ vang dậy sóng một vùng biển, lúc đó các chiến sĩ tàu 43 bơi khoảng 200m vào bờ, ẩn vào núi Vàng ngay trước mặt. Hai xe tăng VNCH đánh chặn, cả nhóm rút lên đến lưng chừng núi lúc sáng sớm. Trên đỉnh núi quân Mỹ chuẩn bị càn quét, cả đoàn phải quay xuống bắt liên lạc với dân quân địa phương, ẩn nấp trong hầm bí mật. Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng trên núi Vàng vây ráp kéo dài 10 ngày liền. Du kích thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp giúp ông và các đồng đội tìm đường vượt qua ấp chiến lược, con đường số I để lên Phổ Cường đến bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Cả nhóm chữa trị vết thương hơn 1 tháng, rồi tiếp tục hành quân bộ vượt Trường Sơn ra Bắc lần thứ hai.
Năm 1968, ông ra Bắc điều trị vết thương, đến năm 1971 thì chuyển ngành làm cán bộ tổ chức ở Trường Đại học Thủy sản cho đến khi về hưu. Ở khu phố ông tham gia Hội Cựu chiến binh và tích cực vận động con cháu sống tốt, gương mẫu, con trai độc nhất của ông nối tiếp truyền thống gia đình xung phong vào quân ngũ.
Người thuyền trưởng tài ba tàu 43 Nguyễn Đắc Thắng