Cuối năm 1967 cái rét mùa Đông đất Cảng Hải Phòng rất đậm, tàu 43 biên chế 17 cán bộ chiến sĩ. Thuyền trưởng tàu là Nguyễn Đắc Thắng, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn, thuyền phó 1 phụ trách hàng hải Nguyễn Văn Đức, thuyền phó 2 Nguyễn Xuân Thơm phụ trách hỏa lực, bất ngờ cùng ba tàu khác được lệnh cấp trên cho nghỉ ăn tết sớm. Những ngày tiếp theo đơn vị âm thầm chuẩn bị, khẩn trương ngày đêm đưa vũ khí xuống tàu ngụy trang chu đáo sẵn sàng chờ lệnh là ra khơi. Động thái trên làm cán bộ chiến sĩ linh cảm một điều gì đó sắp xảy ra, khiến lòng ai nấy nôn nao chờ đợi suốt những ngày giáp tết.
Rồi cái gì đến đã đến. Đêm 30 rạng sáng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam nổ ra. Bộ tư lệnh Hải quân và chỉ huy Đoàn 125 nhận được kế hoạch ‘tuyệt mật”, từ Bộ Tổng Tham mưu gửi xuống. Theo lệnh này, Đoàn 125 chuẩn bị bốn tàu xuất phát ở bốn địa điểm khác nhau cùng trong một đêm và thời gian cũng cùng một lúc, nhưng lại đi theo bốn hướng, mục đích làm phân tán sự theo dõi của địch để tàu ta vào các bến bãi chi viện vũ khí cho miền Nam an toàn. Công điện cũng chỉ rõ: “tàu nào không vào được bến, thì nghi binh để thu hút địch cho tàu khác vào”. Sau khi tính toán kỹ, Ban chỉ huy Đoàn 125 chọn các tàu 165, 235, 56, và 43 nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Theo sự phân công, Tàu 165 vào bến Vàm Lũng Cà Mau; Tàu 235 vào Hòn Hèo Khánh Hòa; Tàu 56 vào Lô Giao, Bình Định và tàu 43 sẽ vào Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Anh hùng Nguyễn Văn Đức nhớ lại: “khi nhận nhiệm vụ chúng tôi vô cùng phấn khích, với tinh thần quyết tâm cao: Dũng cảm, thận trọng, táo bạo, ngoan cường”. Rồi cứ thế các tàu xuất bến ra khơi, riêng tàu 43 xuất trận muộn hơn chút vào đêm 27 tháng 2. Ngay đêm các tàu xuất phát, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng thông báo thông tin tình hình địch liên tục cho Đoàn 125 biết. Ở đài chỉ huy đoàn phân công túc trực 24/24 giờ, để đón nhận từng tín hiệu từ các tàu ta đánh về. Có nhiều lúc không khí đài chỉ huy hết sức căng thẳng, hồi hộp và lo âu. Mấy đêm tiếp theo, các tàu ta đều đánh điện tín báo về không vui “chúng tôi gặp địch”. Vậy là cuộc chiến của bốn con tàu Đoàn 125 với Hạm đội 7 và Hải quân Ngụy thực sự đã xảy ra!
Bắt đầu thông tin từ tàu 165, chở 64 tấn vũ khí theo kế hoạch đi vào Vàm Lũng Cà Mau bị lộ, nhiều máy bay trinh sát địch sà xuống thấp nghiêng ngửa theo dõi. Tiếp theo chúng cho hàng chục tàu chiến bao vây, và xả súng, rốc két bắn vào tàu 165 rất ác liệt. Bức điện cuối cùng tàu 165 đánh về Sở chỉ huy Đoàn 125: “chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi về phía tàu vào – Lương”. Rồi sau đó hoàn toàn mất liên lạc. Tàu 165 đi vào huyền thoại mùa Xuân 1968. Anh em ở bến Cà Mau sau này kể lại rằng: “đêm 29 tháng 2, họ nhìn thấy ở phía Nam biển có nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên bầu trời. Và địch thả pháo sáng trắng khu vực đó. Mọi người cho rằng cán bộ chiến sĩ tàu 165 đã chiến đấu đánh trả tàu địch đến giây phút cuối cùng. Mấy ngày sau anh em ở bến cử người đi dọc bãi biển tìm kiếm chiến sĩ mình, nhưng chỉ thấy nhiều mảnh gỗ có vết đạn nham nhở trôi dạt vào bờ mà thôi”.
Trong khi đó hướng tàu 56 đi vào Bình Định cũng đã gặp địch, nhưng may hơn tàu 165. Tàu chở theo 37 tấn vũ khí đi ngoài hải phận quốc tế thường xuyên gặp máy bay, tàu chiến địch khiêu khích, nhưng ta đã không mắc mưu nổ súng trước, để chúng lấy cớ tấn công, bằng cách giữ đúng đối sách, giữ đúng thế hợp pháp trên vùng biển quốc tế. Trước tình hình đó, ta biết không thể cập bến trong đất liền và để tránh tổn thất, tàu 56 được lệnh cấp trên quay trở về miền Bắc an toàn.
Mũi chi viện cho Nam Trung Bộ là Tàu 235, đây là loại cao tốc có bốn máy nên rất khỏe, xuất phát từ căn cứ A3 Hải Nam (Trung Quốc). Hồi đó tình bạn đôi bên hữu hảo, Trung Quốc cho ta “mượn” Hải Nam làm căn cứ tiếp tế hậu cần. Tàu chở 14 tấn vũ khí được giao nhiệm vụ vào biển Hòn Hèo, tỉnh Khánh Hòa, đây là nơi có địa hình hiểm trở, cách Nha Trang chỉ 12 km về phía Bắc. Hòn Hèo luồng hẹp, nhiều đá ngầm, có núi cao bao bọc phía ngoài nên không dễ cơ động. Theo một tài liệu của Pháp có viết: “muốn vào Hòn Hèo phải là những tay thuyền trưởng lão luyện, có trên 20 năm tuổi nghề mới đủ bản lĩnh vào đây”. Chính vì thế cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Tàu 235 cho Nguyễn Phan Vinh, anh quê Quảng Nam tập kết ra Bắc. Chính trị viên là Nguyễn Tương cũng người Điện Thắng, Quảng Nam, nên rất ăn ý trong thực hiện nhiệm vụ. Tàu đi được hai ngày đêm trên biển quốc tế, rồi khi tàu đến ngang biển Nha Trang bất ngờ bị máy bay trinh sát địch phát hiện, mặc dù vậy tàu ta vẫn quyết định tiến thẳng vào bến Hòn Hèo. Phát hiện ra Tàu 235, địch huy động rất nhiều tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống, rồi chúng nghi binh tắt tất cả đèn pha chỉ dùng ra đa đêm theo dõi. Lợi dụng màn đêm ta thả hết hàng được gói bọc cẩn thận xuống biển, hy vọng cơ sở vớt hàng lên bờ, tiếc thay không gặp người trên bến ra đón. Dù Tàu 235 nghi binh không để lộ vị trí thả hàng, nhưng tàu địch lập tức đuổi theo và cuộc rượt đuổi tàu ta như phim trường trên màn bạc, mà sau này bọn địch gọi là chiếc tàu “ma” rất quyết liệt. Cuộc chiến không cân xứng xảy ra, súng địch bắn ầm oàng từ tứ phía dội tới, nhiều anh em mình hy sinh tại chỗ. Trước tình hình nguy hiểm ấy do tương quan lực lượng không cân sức, thuyền trưởng Phan Vinh quyết định tăng tốc cho tàu phá vòng vây, nhưng thợ máy báo cáo máy tàu bị hỏng nặng. Kế hoạch không thành, Phan Vinh ra lệnh cho anh em nhảy xuống biển bơi vào bờ hy vọng sống sót, riêng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng Vũ Long An và Ngô Văn Thứ ở lại sau cài kíp nổ, xong xuôi kiểm tra lần cuối rồi nhảy xuống biển hướng bờ bơi tới. 2 giờ 40 phút ngày 1/3, một cột lửa bùng lên, kế đó là tiếng nổ dữ dội chấn động cả thành phố Nha Trang dù xa như thế. Sức công phá của khối thuốc nổ nặng hai tấn TNT làm con tàu 235 đứt làm đôi, một nửa nằm dưới biển, một nửa tung lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân, ngày nay nửa xác tàu vẫn còn nằm ở đó. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, cùng thợ máy Ngô Văn Thứ dìu nhau thoát được lên bờ, nhưng bị địch bao vây và họ đã kiên cường chiến đấu chống trả kẻ thù đến hơi thở cuối cùng.
Nguyễn Văn Đức kể về con tàu thứ tư, con tàu 43 chính ông là thuyền phó. Giống như tàu 235, tàu 43 cũng xuất phát từ căn cứ A3 chở 60 tấn vũ khí, lộ trình sẽ vào bến Ba Làng An, Quảng Ngãi. Thật bất ngờ chỉ sau mấy tiếng đồng hồ tàu xuất trận máy phát bị hỏng, nhưng may anh em chữa được. Sang ngày thứ tư, rạng sáng ngày 1/3 tàu vào ngang đảo Lý Sơn, rồi rẽ vào vùng biển Mỹ Á, bất ngờ gặp 6 tàu chiến địch. Không lâu sau số lượng tàu chiến tăng lên hơn mười chiếc, chúng bao vây Tàu 43 thành nhiều lớp. Đứng bên trong buồng lái Nguyễn Văn Đức quan sát, vòng ngoài có Khu trục hạm Mỹ, vòng thứ hai là tàu hộ vệ, và lớp trong cùng là loại tàu PCF tốc độ cao. Trên trời có nhiều máy bay trực thăng quần lượn, chúng tung pháo sáng dày đặc, biển Mỹ Á sáng như ban ngày. Khác với các tàu 165, 56, 235 địch muốn bắt sống, nhưng với Tàu 43 chúng nổ súng bắn ngay vào tàu ta trước, khi chỉ còn cách bờ 12 hải lý. Biết không còn đường lui nữa, Tàu 43 đánh trả địch quyết liệt làm một chiếc PCF trúng ngay quả DKZ vào mạn sườn bốc cháy, nên chúng vội vàng lui ra. Trên trời bầy trực thăng thi nhau phóng hỏa tiễn xuống Tàu 43, ta dùng 12 ly 7 bắn lên trúng một chiếc rơi tùm xuống biển, một chiếc khác bị thương vội vã bay vào bờ. Bị đánh mạnh, địch giãn ra xa. Lợi dụng sự hốt hoảng của địch, Tàu 43 tăng tốc tiến thẳng vào bờ. Nhưng sau những giây phút có phần bị “choáng”, tàu địch mở đợt tiến đánh lần hai và lần này dữ dội hơn nhiều. Tàu 43 vừa đánh vừa luồn lách qua tàu địch, ngược lên hướng Bắc tìm cách thoát hiểm. Trên tàu Nguyễn Văn Đức vẫn đứng trong buồng lái chỉ huy lái tàu, chợt nghe tiếng “bụp”, nhìn sang bên thấy Vũ Văn Ruệ thủy thủ lái tàu trúng đạn gục đầu xuống vô lăng máu trào ra xối xả. Biết mình không qua khỏi, Ruệ vẫn cố sức nói giọng thều thào với Nguyễn Văn Đức: “nếu anh còn trở về miền Bắc, nhớ báo cho gia đình em nhé… chào tất cả”. “Tôi gào lên gọi Ruệ. Mà nước mắt chảy rưng rưng”. Ruệ hy sinh, Lưu Công Hào từ ngoài boong nhảy vào lái thay, chỉ ít phút sau Hào cũng trúng miểng bị thương. “Đến lúc này không còn cách nào khác”, Nguyễn Văn Đức nói vậy. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng lệnh cho thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm đạp khối hỏa mù che mắt địch, nhờ vậy tàu thoát ra được vòng ngoài. Nhưng làm sao thoát nổi, địch bấy giờ đông hơn ta gấp nhiều lần. Phương án cuối cùng bây giờ mới được thực hiện: “hủy tàu!”. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng lệnh cho anh em nhảy xuống biển bơi vào bờ, chỉ phân công Nguyễn Trung Tài máy trưởng, thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm, thủy thủ Phạm Đăng Kiểm và mình ở lại để điểm hỏa khối thuốc nổ nặng hai tấn đã được cài sẵn, xong xuôi cùng lao xuống biển. Khoảng 5 phút sau một tiếng nổ long trời lở đất trong đêm biển Mỹ Á, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, kéo theo con tàu huyền thoại và 60 tấn vũ khí chìm xuống lòng biển sâu. Nhưng thật tiếc trên quãng đường bơi vào bờ, ngoài Vũ Văn Ruệ ta còn hy sinh chiến sĩ Võ Như Tòng và Phạm Đăng Kiểm.
Anh hùng Nguyễn Văn Đức sau đó nói tiếp với tôi rằng, cuộc đời mình đã hưởng tới “bách niên” mùa Xuân, nhưng cái tết Mậu Thân năm 1968 là cái tết đáng nhớ nhất, về những con tàu ngày ấy ra trận. Có những chiến công, có những mất mát, riêng tàu 56 và tàu 43 “hên” hơn nhiều. Tàu 43 có 17 thủy thủ hy sinh mất 3 còn 14, sau khi bơi vào bờ được nhân dân xã Mỹ Hiệp cứu sống, rồi đưa đoàn vượt đường số 1 lên căn cứ vào điều trị tại bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Đoàn đã ở đây điều trị cho những người bị thương, và nghỉ lại hơn một tháng trời lấy sức, rồi được lệnh cấp trên lên đường ra Bắc theo đường Trường Sơn.