Hồi ký của thuyền trưởng Dương Hồng

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phần máu thịt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông” được hoàn toàn giải phóng. Chiến công lịch sử ấy đã diễn ra như thế nào, gợi mở gì cho hôm nay? Hồi ký của Thuyền trưởng Dương Hồng người tham gia chiến dịch giải phóng đảo Trường Sa những ngày tháng 4 năm 1975 đã ghi lại 

Nhớ lại những ngày này của năm 1975

Tàu cập cảng Nhât Lệ. Đã có khách hàng chờ sẵn (mấy anh tuyển tân binh của HQ) lên tàu liên hệ thống nhất kế hoạch xuống quân chở ra Quảng Ninh. Tôi tranh thủ nhảy lên bờ tham quan . Thị xã Đồng Hới bị bom đạn san phẳng rất vắng bóng người. Đứng giữa trung tâm nhìn quanh một vòng chỉ thấy cái tháp nước máy trơ trọi một mình lỗ chỗ vết bom đạn. Một góc khác  còn trơ lại một phần tường tháp chuông nhà thờ. Nổi bật trên lề đường số 1 là khẩu hiệu QUYẾT TÂM ĐÁNH THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC bằng vôi trắng kẻ trên vỏ bom bi mẹ, mỗi chử cái một vỏ nứa quả bom mẹ dựng thành hàng dài. Cách đó không xa có một căn nhà lụp xụp bên đường số 1 có vài người thấp thoáng,đến gần thấy biển hiệu khiêm tốn : Bưu Điện Đồng Hới. 

Hai tàu V601 và V604 thả neo hạ lưu Phà Rừng.Sau gần 24 tiếng đồng hồ, chuyển trả hết trên 600 tân binh là khách bằng phương pháp phà cập mạn tàu, khách sang phà chuyển tải lên bờ phía Quảng Yên.

Trở về cập cảng K20. Vừa cập cầu là được bổ sung dầu nước và thực phẩm ngay trong ngày. Biên đội mới được thành lập. V601 kỳ hạm và 649 kỳ viên. V601vẫn anh Hoàng Ngọc Vĩnh trung úy thuyền trưởng, tôi – Học viên thuyền phó, Nguyễn Ngọc  Đủ thiếu úy CTV. Biên chế thêm anh Châu cơ công Radar của quân chủng điều xuống làm “bác sỹ” riêng cho bộ Radar tậm tịt của tàu. Còn tàu 649 thượng úy Tư (Tư Tỏi) thuyền trưởng, anh Phụng (Phụng rỗ, lớp 12B) thiếu úy thuyền phó, anh Tân (Tân hói) Thiếu úy CTV. Nhiệm vụ của hai tàu khẩn trương vào Đà Nẵng phối thuộc vận tải phục vụ Quân Khu V. Riêng tàu tôi V601 chở hai khách đặc biệt là vợ và con gái tư lệnh HQ  Nguyễn Bá Phát từ K20 vào Quân Cảng Sơn Trà Đà Nẵng để về thăm gia đình, sở chỉ huy HQ tại Quân Cảng Đà Nẵng sẽ tiếp đón khách. 

07g sáng hôm sau hai tàu rời bến. Trời yên biển lặng, ai ai lòng cũng đang  phới phới rộn niềm vui toàn thắng, thênh thang quá , cảm giác như đang được bay lên, lướt nhẹ  trên mặt biển.

Cập quân cảng Đà Nẵng chỉ vài tiếng đồng hồ. Sở chỉ huy HQ tại căn cứ giao nhiệm vụ cụ thể và tài liệu phục vụ chuyến đi, chủ yếu hải đồ các đảo trong quần đảo Trường Sa, tổng đồ số 9102B, và hải đồ khu vực 8004A, 8004B quần đảo Trường Sa.

 Hai tàu rời quân cảng vào sông Hàn cập cảng dã chiến  khu vực kho hậu cần của Mỹ sát bến nghiêng đầu cầu Trịnh Minh Thế, sau này gọi là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Hai ngày nhận hàng, tàu nào cũng chỉ một nửa trọng tải, chủ yếu súng đạn các loại. Lương thực thực phẩm các loại, hàng Mỹ, hàng trung Quốc lẫn lộn. Xuống  hàng không phải kiểm kiện. Quân tàu tôi tranh thủ vào kho quân tiếp vụ khuân một số gạo sấy, đồ hộp,  thuốc lá RUBY, Mấy thùng quân trang dùng làm đồ bảo hộ lao động, mấy thùng tất len cao cổ, dày vải, pháo sáng, mấy khẩu súng AR 15, cabil v.v… Sau 2 ngày số hàng cần vận chuyển đã xuống đủ, sẵn sàng cho sáng hôm sau rời bến chi viện các đảo Trường Sa.

Đưa quân của Sư đoàn 2 ra chốt Trường Sa

Sáng sớm, gần chục xe nhà binh chở đầy lính rầm rầm xuống  đậu xếp hàng dài trên cầu tàu. Ông Đoàn Kỳ Minh từ cabil xe  đầu tiên bước  xuống cảng, lệnh tất cả xuống xe và tập hợp theo từng đơn vị nhỏ. Lính chiến trường với đủ quân tư trang ổn định đội hình nhanh gọn. Ông Minh nói gì đó  với các chỉ huy và lệnh lần lượt lên tàu. Thủy thủ tàu hướng dẫn anh em ổn định chổ nghỉ dưới hầm tàu. Để đảm bảo bí mật di chuyển quân, quy định khi tàu rời bến cơ động trong luồng tất cả khách đều ở dưới hầm tàu, lúc nào tàu ra biển sẽ  được thông báo và mọi người được tự do đi lại sinh hoạt trên tàu. Ông Đoàn Kỳ Minh là thiếu tá trưởng phòng tác chiến Sư đoàn 2 mà ông Nguyễn Chơn làm Sư Trưởng. Đã hai ngày trước tôi từng tiếp xúc với ông Minh khi tàu nhận hàng. Vui vẻ, bao quát sâu sát, dễ nóng tính và hay mắng yêu lính là những  gì bước đầu tôi thấy ở ông. Biết Sư 2 nổi tiếng với tư lệnh Nguyễn Chơn nổi tiếng cho nên trưởng phòng tác chiến của Sư đoàn chắc chắn là một sỹ quan tầm cở. Suy nghĩ vậy nên tôi thường để ý đến ông. Tôi xếp ông ngủ ở phòng tôi còn tôi ngủ ở gầm cabil, là  buồng gắn mô tơ lái và thiết bị Radar. Dạng tàu Nhật Lệ, tuy đây không phải buồng ngủ nhưng là buồng hạng sang trên tàu, chứa được khoảng 6 người trên chiếc chiếu đôi ngồi nhậu. Chỉ vì trần cao khoảng gần 1m30 ra vào cửa phải lom khom  và đã vào phòng chỉ ngồi hoặc nằm . Lợi thế phòng này là bất kể tàu hành trình hay neo đậu mở cửa sổ luôn được gió lùa rất mát mẽ và quan sát được trước boong.

Ra khỏi cửa biển Đà nẵng.Tuy sóng gió chỉ cấp 3 nhưng chẳng mấy khách lên boong vì đi biển chưa quen. Sau vài giờ đồng hồ,  phần lớn khách lên boong, lên hành lang cabin ngắm biển, tuy vậy bữa cơm trưa nhiều khách bỏ qua.

Hướng Đà Nẵng đi Lý Sơn so với hướng Lý Sơn đi Đảo Nam Yết lệch nhau chỉ mấy độ cho nên tôi cố tình xác định vị trí tàu nhiều lần vừa địa văn vừa Radar để kiểm tra lại độ chính xác của la bàn trên hướng đang đi, nhằm tạo niềm tin khi hành trình từ Lý Sơn xuống Nam Yết. Chưa bao giờ đưa tàu hành trình trên một hướng với quảng đường trên 450 hải lý nên tôi có phần lo lắng nếu sai một ly sẽ đi sai nhiều dặm giữa vùng biển lạ với nhiều bãi san hô và đá ngầm, các đảo nổi vừa nhỏ lại có độ cao trung bình dưới 3m so mực nước biển ban ngày đến gần mới thấy. Một điều mà tôi đặc biệt lo lắng nữa là hướng từ Lý Sơn xuống Nam Yết không có tổng đồ. Kế hoạch đi biển tôi làm trên tờ bản đồ theo dõi bão của khí tượng thủy văn, không phải hải đồ đi biển, tôi chưa biết độ chính xác đến mức nào.

Thuyền trưởng và tôi cùng thực hiện chuyển hướng chính Lý Sơn đi Nam Yết. Hai anh em thay nhau kiểm tra so sánh giữa la bàn lái và la bàn chuẩn cùng thống nhất hướng lái. Chuyển hướng xong  vào khoảng 17giờ cũng vừa lúc bữa cơm chiều khá rộn ràng và đông đủ trên boong.

Hình như tâm lý thuyền trưởng và tôi có chung nỗi lo trên hướng đi này dù không ai nói ra. Sau bữa cơm chúng tôi cùng lên boong thượng. Lúc đầu có cả ông Kỳ Minh và một vài anh em thủy thủ  trải chiếu ngồi uống trà,trò chuyện rôm rả. Đêm xuống  gió nhiều hơn  và có chút sóng nên mọi người về phòng riêng còn tôi cùng anh Vĩnh vừa chuyện trò vừa thỉnh thoảng ngó la bàn xem lính lái chính xác hay không. Cũng từ lo nghĩ mà Thuyền Trưởng Vĩnh nói như phàn nàn một câu: “ Trung úy đi kỳ hạm mà thượng úy đi kỳ viên…”. Qua câu nói đó tôi thầm nghĩ có thể cấp trên cho rằng tàu tôi V601 có Radar cho đi trước dẫn đường cho 649 không có Radar theo sau, vì vậy mà điều động cụ Châu trùm cơ công của quân chủng trực tiếp theo tàu làm “bác sỹ riêng” cho Bộ Radar tậm tịt của tàu tôi.

Tàu mắc cạn – Mất phương hướng !

Càng về đêm sóng gió tăng cấp 3 cấp 4, thỉnh thoảng có cơn sóng chao đảo con tàu. Tôi soi đèn pin đi một vòng phía trước từ cabil đến mũi tàu kiểm tra lại việc chằng buộc thiết bị trên boong , tất cả đều ổn, quay lại nhặt được  gần chục con cá chuồn tươi rói, chẳng cần rửa,chỉ lấy nột đoạn dây thép xiên qua mắt treo ngang trong buồng ống khói sau cabil, thế là yên tâm sẽ có mồi nhậu hấp dẫn. 

Thường thì có chút sóng dễ ngủ, sau một giấc ngủ ngon cũng là lúc tôi vào ca trực. Càng về sáng sóng gió càng êm. Tôi lấy lịch thiên văn tra phương vị mặt trời mọc ghi vào mảnh giấy và lên thằng boong thượng chực sẵn  chờ thời cơ kiểm tra lại sai số la bàn trên hướng đang đi. Rồi binh minh thức dậy, sáng dần ánh sáng rực hồng . Đường chân trời mảnh kéo dài đằng Đông, mặt biển phẳng lặng, nhuộm hồng hồng  bóng loáng, cảm giác như nước biển đóng thạch. Mặt trời đỏ rực từ từ nổi lên . Chỉ chục giây thôi liên tục quan trắc so sánh tham khảo sai số la bàn, một kết quả như ý đủ độ tin cậy trên hành trình. Trời ong ong oi oi khó chịu. Nhiều khối mây xám đặc treo lơ lững không cao lắm trên đường chân trời như đang  bị mặt trời đốt cháy, càng lúc càng cháy đỏ dưới bụng, từng vệt, từng vệt dài căng ngang,tầng tầng xé toạc cả vầng trời hồng phía Đông. Rồi mặt biển sáng lóa nhòa cả đường chân trời và chẳng thể nhìn thấy nếu có mục tiêu phía mặt trời. Đấy là bình minh lần đầu tiên tôi được đón nhận giữa xa khơi.

Sau bữa cơm chiều cũng là lúc trời biển nổi cơn thịnh nộ. Một cơn dông chặn ngang trước mũi tàu đen kịt kéo loang sang cả trời biển mạn phải. Chẳng mấy chốc bốn bề mù mịt , sóng gió nổi lên vùi dập con tàu. Tất cả khách dồn vào vào hai hành lang và phòng câu lạc bộ tàu. Màn hình Radar nhòe nhoẹt rồi chập chờn. Anh Châu sau mấy chục phút bám Radar cuối cùng không thể trụ nổi với sóng gió và anh cũng bụp xẹt cùng bộ Radar già nua. Mưa như trút, sóng gió giảm, con tàu không rung giật theo sóng dồi gió táp nữa mà chỉ từ từ đong đưa nghiêng . Mưa tối tăm mặt mũi, không thể nhìn thấy đèn tàu đi sau.Tàu nghiêng bên nào nước trên boong thượng trút ào sang bên đó. Cứ vậy mưa kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ rồi mưa nhẹ dần cùng sóng gió. Hai con tàu lại ung dung bám đuôi nhau lầm lũi lươt trên mặt biển. 

Đang ngủ say sau ca trực bổng giật mình vì một tiếng động lạ kéo dài và con tàu khựng lại. Tôi vùng dậy chui ra khỏi phòng ,tiếng tay chuông dật lên vội vàng, máy ngừng cũng là lúc tôi chạy vào cabil, mấy anh em trực ca nhốn nháo. Tiếng anh Đủ chính trị viên la to “ tàu cạn rồi”. Tôi vội vàng kéo một hồi còi dài,  kéo tiếp 5 tiếng còi ngắn , muốn cho tàu 649

 đi sau nghe và chú ý. Gọi Chú Xuân  VTĐ dùng đèn pha báo cho tàu 649

 biết. Lúc này trời cũng đã sáng rõ . Anh Vĩnh ở buồng lái còn tôi cùng mấy thủy thủ dùng giây dọi đo sâu hai bên tàu từ mũi đến lái. Sau đuôi tàu sâu trên 10m, từ hầm hàng 1 đến mũi tàu chỉ sâu hơn 1m. đo kiểm tra các két dằn và hầm hàng thấy không có hiện tương thủng tàu. Thuyền trưởng lùi máy hết tốc độ kết hợp lái nhưng không thể ra khỏi cạn. Cho bơm hết nước dằn két mũi. Kết hợp máy lùi và tàu 649 cùng kéo cũng chẳng thể ra cạn được. Tôi tra thủy triều biết triều đang xuống đã mấy tiếng đồng hồ. Việc lùi tàu lúc này tạm dừng. Lôi hải đồ ra xem tàu cạn ở đâu, thuyền trưởng và tôi đều không thể khẳng định chính xác vị trí tàu lúc này. Phải nói rằng chúng tôi đã “mất phương hướng”. Cụ Minh buồn lặng lẽ rời cabil đi ra trước mũi tàu tay bám lan can mắt nhìn xuỗng nước.

Những loạt đạn lữa bắn về phía tàu

Trong đêm tối, hai tàu đội hình hàng dọc tiếp cận phía đông đông nam đảo Song Tử Tây. Khoảng cách còn một hải lý. Máy tiến 1, thả neo lửng đề phòng vào cạn dù Radar và máy đo sâu đang hoạt động bình thường. Mở máy đàm thoại liên lạc với đảo nhưng không có tín hiệu  trả lời. Bất ngờ một tiếng nổ đục ngầu sau quầng lửa phát ra từ đảo. Mọi người trên tàu chưa hiểu chuyên gì xẩy ra thì một loạt đạn lửa từ đảo bắn về phia tàu ở góc bắn cao. Tàu dừng máy, chúng tôi trao đổi chớp nhoáng và thống nhất giữ hướng đi, mở hết đèn hành lang và chiếu sáng trên tàu, kết hợp vừa tiến vừa dừng máy để trên  đảo thấy tàu biến thiên chậm nhưng tàu vẫn tiếp cận được vị trí thả neo. Lại một loạt đạn nữa vọt lên. “ Đ… tổ chúng mày,  có thằng địch nào mà chong đèn  cho chúng mày ngắm bắn như vầy” – Tiếng cụ Đoàn Kỳ Minh chửi toáng lên.                                                                                                                          Lình xình vậy  cũng ngót 30 phút tàu mới vào được cách đảo khoảng 500m với độ sâu 25m, hai tàu thả neo, tắt đèn hành trình và thống nhất mở hết đèn chiếu sáng suốt đêm.

Trời sáng rõ, tàu cơ động thả neo lại gần với đảo hơn. Hạ xuồng máy, tôi cụ Minh,  hai thủy thủ và hai thợ máy chạy xuồng vào đảo. Anh em trên đảo ào ra đón chúng tôi. Tay bắt mặt mừng, rồi nhao lên tiếng người hòa trong tiếng chim trời, nào là suốt đêm chúng em ngồi ở vị trí trực chiến,  nào là đúng một tháng từ khi lên giải phóng đảo tận giờ mới có tàu ta ra đây.Rồi  thỉnh thoảng vẫn có tàu không rõ nước nào đến lởn vởn gần đảo rồi bỏ đi v.v… Cụ Minh thông báo bổ sung lực lượng lên đảo cùng với khoảng 20 tấn hàng hóa cho Song Tử Tây.   

 Chúng tôi đi một lượt tham quan đảo. Ấn tượng nhất là đảo bao bọc bởi bầu trời chim. Bạn dùng một hòn đá ném bâng quơ vào không trung chắc chắn không chỉ một con chim rụng xuống . Đi cẩn thận vì bước chân của bạn có thể dẫm trúng chim non hoặc trứng chim. Muốn bắt chim đang bay chỉ cần một roi nhỏ trong tay, đã vung roi là nhặt được chim. Vậy đấy, chưa bao giờ thấy chim nhiều đến thế. Phía gần cuối đảo về phía tây lưa thưa một rặng dừa khá lâu năm cây nào cũng cao cả chục mét, có một cây cụt ngọn. Giờ này không nhớ chính xác là 37 hay 57 cây. Cuối đảo có một ngôi mộ mới, đó là phần mộ liệt sỹ TỐNG VĂN QUANG, quê Phú Thọ. Đây là liệt sỹ duy nhât hy sinh trong chiến đấu giải phóng Song Tử Tây. Một đặc điểm nữa là đảo này xung quanh cao lên tạo thành lòng chảo như cái sân  bóng đá giữa đảo. Cây sâm đất mọc thành thảm dày có chổ bước bập bùng chân không chạm đất. Sâm ở đây mọc lâu năm nên củ to như củ cải trắng, anh em lính đảo thái mỏng phơi khô rang vàng nấu nước uống hàng ngày.Một giếng nước ngọt gần trung tâm đảo, không ngọt lắm nhưng cũng đủ là nguồn sống lý tưởng cho con người ở đây. Chúng tôi trở lại tàu không quên bắt đầy một bao chim ra ràng, loại chim đã đủ lông lớn như chim mẹ nhưng chỉ vỗ cánh phành phạch chưa bay hẵn lên  được. Cũng từ một đĩa lòng chim mấy anh em làm mồi nhắm hấp dẫn hôm đó, với tôi ngon và ngán, để rồi mấy chục năm nay nghĩ lại vẫn thấy ớn đến óc, tôi không dùng lại lần thứ hai bao giờ kể cả thịt chim biển.

Đưa được hàng lên đảo quả thật không đơn giản. Cái xuồng nhôm chiến lợi phẩm loại lớn bập bềnh theo từng lượn sóng bên mạn tàu . Từng mã hàng được cẩu xuống lựa sóng hạ an toàn vào lòng xuồng rồi xuồng máy của tàu kéo vào đảo.Nói nghe dễ vậy nhưng trong sóng nước đấy là công việc vất vả và đầy nguy hiểm. Cuối cùng mọi chuyện cũng hoàn tất trong ngày. Cả quân và hàng hóa được đưa lên đảo Song Tử Tây an toàn. Tàu nhổ neo, ba hồi còi tàu ngân vang cả một vùng đảo nhỏ. Tạm biệt Song Tử Tây, chúng tôi đi Nam Yết

“ ĐẠI BÀNG GỌI HẢI ÂU – NGHE RÕ TRẢ LỜI”

Sau những phát súng tín hiệu nhận nhau giữa tàu và đảo, V601 từ từ vào vị trí thả neo. Mặt trời đằng tây đang chìm dần xuống biển. Mọi việc tiếp theo giành lại ngày mai. Khu vực neo đậu ở Sinh Tồn tuy hơi xa đảo nhưng kín sóng vì bốn bề có nhiều bãi san hô ngầm che chở. Tôi cùng cụ Minh trải chiếu trên boong thượng hóng mát và chuyện trò. Cụ quê ở Tam Kỳ Đà Nẵng, cùng quê và là bạn thân với Đại úy Trần Phong Tham mưu trưởng đoàn 125. Ở 125 mọi người thường gọi là Anh Bốn. Hai người ra Bắc cùng nhau,Cụ Minh được chuyển vào một đơn vị Lục Quân còn anh Bốn về Hải quân. Đôi bạn đã gặp nhau tại sở chỉ huy tiền phương Hải Quân ở Đà Nẵng do Phó tư lệnh Hoàng Hửu Thái trực tiếp điều hành.  So với anh Bốn thì cụ Minh già hơn nhiều,  gù gù cái lưng, khuôn mặt hóp với nước da sạm dày dấu ấn trận mạc, nhìn hai người không ai nghĩ là họ cùng trang lứa.

Một ngày mới lại đến, hàng và người liên tục được vận chuyển lên đảo nhanh chóng nhờ sóng gió êm. Sinh Tồn khá nhiều cây tuy không bằng Nam Yết. Không có cây dừa nào, thay vào đó là một số cây phi lao và khác các đảo  là ở bìa đông nam đảo Sinh Tồn rất nhiều cây muống biển, mọc thành thảm xanh kín bờ đảo và công sự. Cuộc sống anh em  trên đảo đầy khắc nghiệt trước thiên nhiên. Xế chiều công việc hoàn tất. Đêm nay tạm biệt đảo Sinh Tồn.

Sau gần hai chục giờ hành trình, tàu vừa qua bãi Đá Tây, sóng gió lại nổi lên. Khoảng bốn giờ chiều mà trời tối mịt trong cơn giông. Con tàu hết chồm lên rồi chúi mũi múc trọn con sóng lại chồm lên hất dội nước ngập tràn đầu hầm hàng một. Thùng dầu nhờn nguyên niêm phong được chằng buộc cẩn thận cũng bị sóng đánh bật trôi lên trôi xuống dọc boong tàu. Vì quá nguy hiểm nên không cho thủy thủ ra xử lý.Thỉnh thoảng có con sóng đổ đúng lúc mũi tàu đang hẫng từ trên cao gục xuống phát tiếng nổ ầm ầm, con tàu rung lên bần bật, tạt nước phủ lên tận cabil. Tàu với tốc độ trung bình vật vã trong sóng gió.  Sau mấy lần áp ngực vào lan can, guc đầu dài cổ cho cá biển ăn, cụ Châu bám Radar không nổi nữa đành bảo tôi và Huyên trắc thủ bám mục tiêu sáng nhất trước mũi tàu khoảng 20 hải lý trên màn hình, rồi cụ nằm co gọn dưới chân bệ Radar. Sợ la bàn chuẩn trên boong thượng bị đổ bởi bệ gỗ dưới chân la bàn đã mục, anh Vĩnh cho thủy thủ dùng giây mồi chằng buộc lại. Mưa như trút, mặt biển thu bớt sóng về và rồi sau chừng nửa giờ mưa cũng tạnh dần.Mặt biển về đêm bình yên trở lại

“ Hải Âu gọi Đại Bàng , Hải Âu gọi Đại Bàng, nghe rõ trả lời ”, cứ vậy mấy phút lại gọi, mỏi miệng nhưng “ bặt vô âm tín”. Anh Xuân VTĐ lên boong thượng  bắn hai tín hiệu đỏ góc cao về phía đảo, sau một lát đảo bắn lên  một xanh một đỏ đồng thời trên máy đàm thoại rộn lên “ Đại Bàng Gọi Hải Âu, Đại Bàng Gọi Hải Âu – nghe rõ trả lời” Niềm vui vỡ òa, đi qua 5 đảo mà đến đảo thứ 5 liên lạc thông suốt được giữa tàu với đảo. Tàu tiến dần vào vị trí thả neo. Trên đảo đốt một đống lửa trước bến đổ bộ làm chuẩn cho tàu vào. Tàu thả neo ở độ sâu 30 m cách đảo không xa lắm đúng lúc đồng hồ chỉ 20 giờ.Tàu vẫn chạy máy phát điện và mở hết đèn chiếu sáng, chỉnh đèn pha rọi thẳng vào bờ đá san hô. Chim hải âu gọi nhau ran cả một vùng, vây quanh tàu càng lúc càng nhiều , một số chim đậu hẳn xuống tàu rải rác từ mũi đến lái.

 Bình minh lên, một ngày mới bắt đầu bằng những chuyến hàng từ tàu vào đảo. Đảo Trường Sa không một bóng cây xanh. Cũng là một bầu trời chim tuy không nhiều như Song Tử Tây. Phía đông nam đảo là một vọng gác cao gần chục mét được làm bằng gỗ khá chắc chắn. Cây Sâm Đất trải rộng nhiều nơi. Cây rau Sam mọc khá nhiều, hút nguồn dinh dưỡng từ phân chim nên cọng Sam Trường Sa to như chiếc đũa, một nguồn rau xanh quý giá như là đặc sản của đaỏ này. Vài cái giếng được đào sâu trên 5m và gép bằng tôn vòm của Mỹ loại thường dùng làm công sự, tuy nước lợ nhưng cũng là nguồn sống lý tưởng cho mọi người ở đây.

Đảo tặng tàu một con Vích (một loại rùa biển), chiều dài mai rùa độ ba gang tay. Rộn ràng trong bếp và boong sau tàu là việc xả thịt con Vích. Một chậu đầy trứng Vích, trứng già tròn trắng và to gần bằng trái bóng bàn, vỏ mềm, trứng non cứ như lòng đỏ trứng gà, khó vỡ bởi được bọc trong màng mỏng và dai. Dư âm của món tim gan chim biển ở Song Tử Tây làm tôi dị ứng với món thịt Vích bởi có một mùi vị tương tự nhau. Ăn thử một cái trứng non có cảm giác ngon, đánh tiếp hai trứng nữa và đầu hàng vô điều kiện vì ngán.

 Xế chiều hàng hóa bốc lên đảo Trường Sa đã hoàn tất. Trên tàu chỉ còn gần chục bao gạo bị thấm nước đành để lại. Một chuyến tàu chi viện khá toàn diện cho cả năm đảo trong quần đảo Trường Sa vừa được giải phóng trong tháng tư vừa qua, đến thời điểm này tạm gọi hoàn tất. Đúng 20 giờ đêm, neo được kéo lên khỏi mặt nước, ba tiếng còi dài ngân vang, hải âu giật mình đồng loạt bay dội lên cao kêu inh ỏi. Bất ngờ trên đảo lần lượt vút lên ba ngọn pháo sáng. Sẵn còn hàng thùng pháo dù hôm xin ở kho Trịnh Minh Thế  Đà Nẵng, tàu V601 cũng dật cả chục pháo sáng chia  tay Trường Sa. Chúng tôi thẳng tiến trên hướng về Nha Trang. Hình như ai cũng nói cười rôm rả chung niềm vui bay bổng trong ngày cuối tháng 5.

Chuyến hàng H mới hai mươi mấy tuổi đã là đại úy tiểu đoàn trưởng.

Hai tàu thả neo ở đảo Nam Yết. Từ tàu nhìn vào , cây xanh phủ kín gần hết đảo, cây chỉ cao 3m đến 4m, có ba hay bốn ngọn dừa cao vượt hẳn lên. Đặt chân lên Nam Yết đập vào mắt tôi một cột tiêu sơn màu trắng chử đen chỉ dẫn phương hướng và khoảng cách từ Nam yết đến một số địa danh trong và ngoài nước được cắm bên trái đầu lối mòn vào trung tâm đảo, cách làm sắc sảo và đường nét hiện đại. Tôi dừng lại đây không dưới 5 phút đểđọc kỹ tiêu hướng dẫn này. Một cảm giác khác lạ thổn thức bất chợt khi mình đang hiện diện nơi đảo tiền tiêu của Tổ Quốc trên biển Đông. Cây phong ba, cây tra là hai loại cây mọc nhiều trên đảo, thân cây sù sì quằn quại đội kín trên đầu tán lá tươi xanh,vững chải trước phong ba bão táp, che chở những người con đất Việt giữ biển giữa khơi xa. Đây là thủ phủ của quần đảo Trường Sa trong thời kỳ đầu mới giải phóng .

Cano V601 sau mấy chuyến chở hết số quân bổ sung cho Nam Yết. Hàng hóa đảo này chủ yếu trên tàu 649. Tàu 649 ở lại trả hàng và trực ở đây. Chia tay Nam Yết, chia tay tàu 674 chúng tôi đi Sơn Ca.

Trên đường Nam Yết đi Sơn Ca, mắt thường nhìn rõ Đảo Thái Bình (Ba Bình) bên mạn trái không xa. Đó là đảo lớn nhất và cao nhất trong quần đảo Trường Sa hiện Đài Loan chiếm giữ. Tôi thoáng nghĩ Đài Loan xa như vậy mà vươn tới đây rõ ràng vô lý mà sao ta không đánh luôn cho gọn để sau này lúc yên bình khó xử? -Tại sao tồn tại ba nước cùng chốt giữ các đảo xen kẻ nhau trong quần đảo này? Thế cài răng lược phải chăng là ý đồ của Mỹ? Ta đánh đảo Thái Bình liệu Mỹ có nhảy vào không? Rồi chặc lưỡi bỏ qua, mình lính quèn biết đâu mà lần!

Hỡi anh em Sơn Ca, chúng tôi đã đến. Từ khu vực có thể neo cách đảo xa lắm so với Song Tử Tây và Nam Yết.  Dòng chảy ở đây khá mạnh ẩn chứa nguy hiểm. Cũng vì vậy mà hết thả rồi nhổ neo mấy lần, Cụ Minh và anh Vĩnh làm phật ý nhau trong chọn vị trí neo đậu ở đây. Cuối cùng chuyến xuồng đầu tiên cũng được vào đến đảo đầy vất vả vì xa tít tắp và nước chảy xiết. Cũng là cây Phong Ba nhưng ở đảo này cây xơ xác lá, không xanh tốt như Nam Yết. Cây lá Hen mọc nhiều  thành từng bụi lớn nhưng chỉ cao khoảng 1m và bị gió táp xiêu xiêu trụi lá trơ cành một bên. Chỉ đáo qua rồi tôi trở lại tàu ngay chuyến đầu tiên.Rồi nhiều chuyến tiếp theo vật lộn với sóng gió và dòng chảy vất vả lắm mới vào được đảo.

Đêm bắt đầu buông xuống, trên đảo không một ánh đèn. Mấy thủy thủ buông câu, cá nhiều vô kể, liên tục giãy đành đạch trên boong trong tiếng reo hò của mọi người.Cá mú, cá bè, cá bò, cá mó; con xanh con đỏ, con trắng, con rằn ri đủ màu đủ cở, nhỏ thì vài lạng to thì vài ba ký. Anh em không biết ăn cá mó và cá bò, chỉ xẻ làm mồi hoặc quăng xuống biển. Hai ngăn bếp hai nồi quân dụng cháo cá mú, có thể nói cá nhiều gạo ít, toàn tàu cả chủ và khách thả cửa thưởng thức món ngon chưa gặp lần nào.

Xế chiều hôm sau hàng hóa và người của đảo Sơn Ca đã được đưa lên đảo an toàn. Trong lúc tàu đang nhổ neo để hành trình tiếp thì một xuồng của đảo với bốn tay chèo vội vả hướng ra tàu. Trời đầy mây,buồn âm u mờ ảo không rõ đường chân trời và lất phất gió. Tạm dừng kéo neo chờ xem có chuyện gì xẩy ra. Xuồng bị dạt về phía sau tàu, đành phải nhổ neo cơ động tàu áp sát ném dây mồi kéo xuồng áp mạn rồi chạy chậm ngược dòng chảy.Thì ra trên xuồng có một lính Sư 2 mới lên đảo, ớn nên khoác ba lô quay lại tàu để về đất liền. Cụ Minh nổi nóng vừa giật lông mũi vừa quát tháo: ” Đ… chị mày thằng H, mày làm ăn thế hả, tin mày đưa mày ra đây mà mày, mày mày thế coi được không”. Rồi cụ Minh nhỏ giọng “ Coi như không có chuyện này, quay lại giữ đảo cùng anh em, Đ…chị mày , nghe tao đi H”. Để đảm bảo xuồng vào được đảo không bị trôi xa, anh Vĩnh chạy nhích tàu áp gần về phía trên nước trên gió rồi buông giây cho xuồng chèo vào bờ. Tàu thả trôi dõi theo con xuồng nhỏ, chờ xuồng vào hẵn trong bãi san hô an toàn. Cũng lời Cụ Minh “ Tất cả anh em chọn đi giữ đảo toàn là lính có thành tích tốt. Nó mới hai mươi mấy tuổi, đã là đại úy,tiểu đoàn trưởng, đánh giặc cừ lắm đấy” Cụ Minh đang nói về anh chàng H lúc nãy. Tôi kéo ba tiếng còi dài thật dài chào tạm biệt Sơn Ca.(còn tiếp)

Dương Hồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *