Đại tá Vũ Hữu Cửa lữ đoàn trưởng LĐ125 trả lời phỏng vấn báo QĐND cuối tuần nhân kỷ niệm 40 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Thưa đ/c Đại tá, Lữ đoàn trưởng đồng chí có thể cho biết đường Hồ Chí Minh trên biển đã hình thành như thế nào ?

Cách đây 40 năm, cùng với đoàn 559 đã ra đời trước đó, ngày 23 tháng 10 năm 1961 Bộ quốc phòng quyết định thành lập đoàn 759 tức đoàn 125 sau này, làm nhiệm vụ mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, nhưng cũng vô cùng vinh quang. Thực ra nhiệm vụ mở con đường biển, chi viện vũ khí cho cách mạng miền Nam, Bộ chính trị và quân ủy trung ương đã có ý định từ năm 1959. Sau hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành trung ương Đảng họp tháng 1 năm 1959 đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam giai đoạn mới và đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà, Bộ chính trị và quân ủy trung ương đã họp bàn biện pháp chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Tháng 5 năm 1959 đoàn 559 được thành lập . Trong hai tiểu đoàn 301 và 603 của đoàn 559, tiểu đoàn 603 có nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện ý định của trên. Chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. 

Tiểu đoàn 603 đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và ẩn dưới các tên “Tập đoàn đánh cá Sông Danh” . 

Sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt, Tiểu đoàn 603 tổ chức 2 chiếc thuyền gỗ vận chuyển chuyến hàng đầu tiên (năm 1960), đưa vũ khí vào Khu 5, nhưng không thành công do gặp bão, thuyền bị hỏng nặng và gặp địch, phải thả hàng xuống biển phi tang. Nhận thấy việc dùng thuyền gỗ chạy buồm chở vũ khí vào Nam khó khăn và không an toàn, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Đoàn 559 tạm ngừng hoạt động của Tiểu đoàn 603 và sáp nhập đơn vị này vào Tiểu đoàn 301 để tập trung xoi mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, đồng thời chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ đưa thuyền vượt biển ra Bắc vừa để thăm dò nghiên cứu con đường biển vừa báo cáo tình hình và nếu có thể thì chở vũ khí về.

Lúc này phong trào đồng khởi ở các tỉnh Nam Bộ đang phát triển, nên chỉ thị của Đảng hợp với lòng mong mỏi của các địa phương. Từ giữa năm 1961 đến 1962, lần lượt các đội thuyền của tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa ra đến Miền Bắc an toàn. Điều kiện chi viện cho cách mạng Miền Nam bằng đường biển đã chín muồi và và trong bối cảnh ấy đoàn 759 ra đời. Từ đó, ngày 23 tháng 10 trở thành ngày truyền thống chính thức của đoàn 759.

-Thưa đồng chí, vậy con đường đã hoạt động như thế nào và hiệu quả của nó ra sao?

Những năm đầu là thời kỳ công tác vận chuyển đạt hiệu quả cao. Kể từ chuyến đi đầu tiên của chiếc thuyền gỗ chở 30 tấn vũ khí xuất phát tại Đồ Sơn đêm 11 tháng 10 năm 1962 đến tháng 2 năm 1965, chưa đầy 3 năm, đoàn 759 (Tức Lữ đoàn 125 kể từ 29 tháng 1 năm 1964) đã sử dụng tất cả 3 tàu gỗ, 17 tàu sắt, tổ chức 88 chuyên đi, vận chuyển được: 4719 tấn vũ khí cho chiến trường, bao gồm súng đạn, thuốc và các trang bị quân sự khác. Tàu của đoàn không những chỉ cập vào các bến của tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre mà còn chi viện vũ khí cho các tỉnh thuộc khu 6 và khu 5. Đây là một chiến công vô cùng to lớn, góp phần rất có hiệu quả vào những chiến thắng của quân dân miền Nam. Vũ khí đưa vào bằng đường biển đã góp phần tạo nên chiến thắng Ấp Bắc của quân dân Mỹ Tho ngày 21 tháng 1 năm 1963, đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Chiến xa vận” của Mỹ – ngụy. Vũ khí đưa vào kịp thời đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng Bình Giả vang dội. Trong một thời gian ngắn từ 2 tháng 12 năm 1964 đến 3 tháng 1 năm 1965 đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, hai trận cấp tiểu đoàn, diệt gọn hai tiểu đoàn chủ lực ngụy, một chi đoàn xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn khác, giải phóng một vùng dân cư rộng lớn. Vũ khí đưa vào kịp thời đã góp phần cho quân dân khu 5, chiến công đèo Nhông, Dương Liễu. Vũ khí đưa vào kịp thời đã góp phần cùng quân dân miền Nam đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ – ngụy. Không có một phương thức vận chuyển nào trong một thời gian ngắn có thể đưa được nhiều vũ khí như vậy vào Nam Bộ, khu 6 và khu 5. Giá trị và hiệu quả của con đường vận chuyển bằng đường biển là để đảng nhận ra con đường vận chuyển trên biển thực sự là một thành tố làm nên sức mạnh của cách mạng miền Nam nói chung và cách mạng vùng Nam Bộ nói riêng ở giai đoạn này.

Như vậy giai đoạn sau đó, công tác vận chuyển trên biển có nhiều khó khăn hơn ?

Đúng thế ! Bắt đâu từ cuối năm 1965, công tác vận chuyển không những khó khăn, mà là vô cùng khó khăn. Công tác vận chuyển đang thuận lợi thì xảy ra sự kiện tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô (Tuy Hòa Phú Yên), Mỹ – ngụy lập tức huy động lực lượng rất lớn bao gồm một phần của hạm đội 7 và toàn bộ hải quân ngụy vào việc săn lùng tàu của đoàn 125 đi từ Bắc vào Nam. Bí mật đã không còn, song như vậy không có nghĩa rằng mọi việc đã hoàn toàn công khai.Cái cần lúc này là biết tạo ra bất ngờ ngay giữa cái không còn bí mật. Đó là cuộc đấu trí, đấu mưu của hai lực lượng trên biển. Yếu tố bí mật, bất ngờ ở mỗi chuyến đi phải được thực hiện nghiêm ngặt trong tổng thể ý định đã bị kẻ địch phát hiện. Sau sự kiện Vũng Rô, cán bộ chiến sỹ đoàn 125 bước vào giai đoạn vận chuyển khó khăn ác liệt và nhiều hy sinh. Sự kiện Vũng Rô, tuy tổn thất, kẻ địch thu được của ta một số vũ khí và tài liệu, nhưng không vì thế mà dập tắt được ý chí tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam nhằm đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam của cán bộ, chiến sỹ đoàn 125. Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn ! Địch phong tỏa đường này, đoàn 125 tìm cách mở lối khác. Ban đầu đi gần bờ, rồi đi xa bờ. Đi bằng phương pháp xác định vị trí tàu bằng địa văn, rồi đi bằng phương pháp xác định vị trí tàu bằng thiên văn. Đi theo đường hàng hải quốc tế. Cải dạng tàu thành tàu đánh bắt hải sản, thành tàu nghiên cứu biển … Đây là giai đoạn thể hiện cao nhất bán lĩnh kiên cường, mưu trí, sự thông minh, sáng tạo của cán bộ chiến sỹ trong đoàn.Mỹ đưa quân vào miền Nam, dàn hạm đội 7 khắp vùng biển, xây dựng hải quân ngụy tới mức tối đa, đánh phá ác liệt các cảng miền Bắc cũng không ngăn được những con tàu của đoàn 125. Càng đi càng dẻo càng dai; càng khó khăn ác liệt càng mưu trí linh hoạt, càng dày dạn kinh nghiệm. Đồng đội đã có người ngã xuống, nhiều con tàu … trở về, những con đường vận tải trên biển vẫn tồn tại. Và vũ khí vẫn đến chiến trường.

-Để có phép màu ấy, phải có những con người biết làm nên phép màu, có đùng không, thưa đồng chí ?

Hoàn toàn đúng ! Trong giai đoạn thử thách này, đã nổi bật lên nhiều tập thể kiên cường đó là tàu 42, trải qua nhiều năm hoạt động đã vượt một chặng đường dài bằng độ dài vòng quanh trái đất. Đây là đội tàu mà “cán bộ chiến sỹ đoàn kết chặt chẽ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí linh hoạt, vượt qua khó khăn nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (trích lời tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang của Quốc hội). Đó là tàu 41, “một tập thể rất mực trung khiên, nêu cao truyền thống Anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, bền bỉ chịu đựng gian khó, khắc phục khó khăn, bình tĩnh dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, mưu trí, táo bạo quyết dành thắng lợi, lập công xuất sắc, xây dựng đơn vị lớn mạnh về mọi mặt” (trích lời tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang của Quốc hội)

Đó là tập thể tàu 54, tàu 69, tàu 67, tàu 43, tàu 54, tàu 56 …

Đó là tập thể tàu 165, khi gặp địch, toàn bộ cán bộ và thủy thủ trên tàu đã cho nổ bộc phá và 18 chiến sỹ đã anh dũng ra đi cùng con tàu.

Đó là tập tàu 235 và thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, khi bị địch bao vây, đã kịp thời phá tàu và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

Đó là tập thể tàu 645 và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Khi xẩy ra chiến đấu, Nguyễn Văn Hiệu đã thể hiện rõ một mẫu bí thư chi bộ ngoan cường, dũng cảm và thông minh, lại biết hy sinh. Khi tình thế trở nên cấp bách, anh đã tự nguyện ở lại, điểm hỏa, cho nổ bộc phá và hy sinh cùng con tàu.

Trong thời điểm gay go và ác liệt, những “con tàu không số” của đoàn 125 vẫn âm thầm rời bến, rồi lại cập bến. Những chuyến đi căng thẳng. Không chỉ đấu trí từng giờ với kẻ thù, mà còn phải vượt qua sóng to, gió cả, vượt qua thử thách của thiên nhiên. Nhưng trên hết là phải thắng chính mình. Thiếu thốn, nhọc nhằn, những sự cố bất thường, những lúc gặp địch, những lần lạc bến, những ngày thả trôi, đói, khát, say sóng, mưa, nắng … đều diễn ra trong mỗi chuyến đi. Ra đi là xác định cảm tử, xác định hy sinh. Nhưng cán bộ chiến sỹ đoàn 125 không hề nản chí. Mỗi chuyến đi là một bản anh hùng ca trên biển Đông. Trong những tập thể kiên cường dũng cảm đó, nhiều thuyền trưởng, chính trị viên đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc, điều khiển tàu đi đúng hành trình, độc lập sáng tạo trong chỉ huy, đã xử lý khôn khéo, tạo bạo trong nhiều tình huống bất ngờ để dành thắng lợi. Nhũng đồng chí: Đặng Văn Thanh, Nguyễn Đắc Thắng, Hồ Đắc Thạnh, Huỳnh Ngọc Trạch, Nguyễn Văn Cứng, Lê Văn Thêm, Đinh Đạt, Phạn Vạn, Lê Quốc Thân, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Ân, Trần Ngọc Ân, Trần Hoàng Chiêu, Lê Hồng Phước, Tăng Văn Huyên, Ngô Văn Đức và nhiều đồng chí khác đã nêu cao tấn gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hy sinh, sự tài giỏi cũng nhu sự vững vàng của người chiến sỹ thuộc “đoàn tàu không số”.

-Chúng tôi có thể tổng kết được số lượt con tàu đã ra đi và số vũ khí đã đưa được vào chiến trường ?

Từ tháng 10 năm 1962 đến tháng 4 năm 1972, đoàn 126 đã kết thúc giai đoạn vận chuyển 10 năm, trực tiếp chi viện cho chiến trường. Trong 10 năm, đoàn đã tổ chức tất cả 168 chuyến đi (trong đó có 6 chuyến đi trinh sát) và vận chuyển vào 19 bến thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, vận chuyển được 6105 tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường và nhiều cán bộ chiến sỹ đi chiến đấu. Đây là một chiến công rất lớn, rất đáng tự hào. Chiến công này đã góp phần cùng quân dân miền Nam và nhân dân cả nước đánh thắng nhiều âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai. Với đoàn 125, mười năm làm nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam là mười năm sôi động nhất, là thời kỳ hào hùng nhất, là nét son đậm nhất trong lịch sử nhiều năm phát triển của đơn vị. Với thành tích vận chuyển chi viện chiến trường va tham gia chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, đặc biệt là chiến công tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa và các hải đảo khác, đoàn 125 đã hai lần được Quốc hội và chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT-ND.Cùng với  đoàn, tập thể tàu 41, tàu 42, tàu 154 và các đồng chí Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu cũng được tuyên dương danh hiệu cao quý.

-Xin đồng chí cho biết đôi nét nhiệm vụ Lữ đoàn hiện nay và việc phát huy truyền thống đơn vị hai lần được phong danh hiệu anh hùng ?

Từ năm 1976 đến nay, lữ đoàn 125 là đơn vị vận tải chủ lực trên biển của Quân chủng Hải Quân. Trong hai mươi năm qua lữ đoàn đã huy động gần 5 ngàn lượt chiếc tàu, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng, chở hàng trăm ngàn lượt người và vươt hơn triệu hải lý. Bằng thành tích đó lữ đoàn 125 đã góp phần cùng Quân chủng Hải Quân bảo vệ vững chắc vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo của Tổ quốc. Đặc biệt trong hai nhiệm vụ: vận chuyển chi viện, xây dựng quần đảo Trường Sa và bảo vệ chủ quyền thềm lục địa và vùng biển phía Nam (DK1), lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ! Nổi bật trong thành tích đó là tấm gương chiến đấu dũng cảm của các tàu HQ604, HQ605 và HQ505 trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, nơi quần đảo Trường Sa năm 1988. Cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường của ba con tàu thuộc lữ đoàn 125 trên biển ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã nêu một tấm gương sáng về lòng trung thành của các chiến sỹ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Sau trận chiến đấu này, các đồng chí Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604 và đồng chí Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ505 được tuyên dương danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu HQ505 được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những chiến sỹ của lữ đoàn 125 ngày nay vẫn xứng đáng là nhũng người lính của đơn vị đã mở con đường vận chuyển trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường, lập nên những chiến công thần kỳ, vẫn xứng đáng là người lính của đơn vị hai lần Anh hùng. Truyền thống của lữ đoàn được thế hệ đi trước xây dựng, không những không phai mờ, mà ngày càng được giữ vững, bồi đắp, tô đẹp hơn.

-Xin cảm ơn đồng chí !

Đình Kính

– Thơ của một cựu chiến binh tàu không số
– Hồi ký của thuyền trưởng Dương Hồng
– Tâm sự của Cựu chiến binh đoàn tàu không số

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *